5 căn bệnh kỳ quái nhất do games gây ra


Sự thực là việc quá lạm dụng game có thể đem lại cho bạn những hậu quả không mong muốn.
Games vốn dĩ được tạo ra để giải trí, và chẳng ai cho rằng nó có thể làm mình ốm đau bệnh tật. Nhưng sự thực là việc quá lạm dụng thứ công cụ này có thể đem lại cho bạn những hậu quả không mong muốn. Hãy cùng Genk điểm lại những chứng bệnh kỳ quái nhất gây ra bởi games qua bài viết dưới đây.
5. Hiệu ứng Tetris – Pajitnovitis
Đây là hiện tượng thường xảy ra sau khi bạn lê la hàng giờ chơi…..xếp gạch. Hiệu ứng này được mô tả bằng việc hình ảnh những viên gạch từ rơi xuống trước mắt bạn, kể cả khi mắt bạn đã rời khỏi màn hình. Chúng ám ảnh vào suy nghĩ và tinh thần của bạn, thậm chí chúng hiện diện ngay cả trong những giấc mơ của bạn.
Đây có vẻ như là một kịch bản khả thi cho phần 2 của Inception, nhưng sự thực thì nó khá nguy hiểm. Thuật ngữ “Pajitnovitis” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1996 trên blog của Garth Earling. Trong bài viết này, ông đã mô tả thuật ngữ này như là “Những rủi ro chết người đến từ thực tế ảo”.
Khi game Descent trở nên quá thịnh hành vào thời kỳ đó, nhiều người sau khi bước vào xe ô tô, thay vì ấn nút khởi động, điều đầu tiên mà họ làm là tìm đến nút khai hỏa vũ khí – thứ chẳng bao giờ tồn tại ở đó. Tỷ lệ tai nạn giao thông tăng lên, bởi thay vì điều khiển chiếc xe một cách an toàn, nhiều người vẫn nghĩ rằng mình đang phải thực hiện 1 nhiệm vụ nào đó – và đây là thực tế đáng lo ngại.
Năm 2011, hiệu ứng Tetris một lần nữa được đưa ra nghiên cứu bởi giáo sư người Anh Mark Griffith, dưới tên gọi Game Transfer Phenomena (GTP). Griffith giải thích rằng GPT là kết quả của việc tiếp xúc quá lâu với games – từ đó dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc phân biệt thế giới thực và thế giới ảo.
Điều này không đồng nghĩa với việc gamers không thể nhận ra được đâu là games và đâu là đời thực, nhưng nếu vào một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và tin rằng mình là Niko Bellic, và bạn đã sẵn sàng tham gia vào một phi vụ làm ăn nào đó – tốt hơn hết bạn nên đi khám. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia trực thuộc bệnh viện Bạch Mai có lẽ là địa chỉ đẹp nhất dành cho bạn.
4. Ngón cái PlayStation
Bạn không nên quá lo lắng, vì hiện tượng này xảy ra trên hầu hết các máy chơi games có tay cầm với 1chiếc d-pad. Và cái tên này chỉ là cách nói khác đi của những mụn nước xuất hiện trên ngón cái của bạn, khi bạn dành hàng giờ bên cạnh chiếc console của mình. Thủ phạm thực sự ở đây chính là 4 nút lên xuống trái phải ở phía bên trái chiếc tay cầm của bạn.
Hãy cầm pad lên và tập luyện hàng giờ cho đến khi bạn thành thạo tuyệt chiêu Shoryuken trong game Street Fighter IV - hoặc nếu như bạn chưa từng nghe đến Street Fighter, chỉ cần lăn ngón tay cái của bạn quanh 4 nút lên xuống trái phải theo chiều kim đồng hồ. Hãy thử 100 lần như vậy. Xin chúc mừng, giờ đây ngón tay cái của bạn đã sở hữu vài cái mụn nước – như bất kỳ gamer chuyên nghiệp nào khác.
Mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn với một chiếc tay cầm PlayStation. Mắm môi mắm lợi nhấn vào 4 nút này chỉ để tạo ra những thứ hoành tráng trên màn hình – điều đó có thể mang lại những hậu quả trầm trọng. Căng dây chằng, hay tệ hại hơn là rách dây chằng, tổn thương các dây thần kinh. Tiếp theo ngay sau đó là Hội chứng đường hầm cổ tay, một hội chứng xảy ra khi các dây thần kinh ngoại vi bị chèn ép trong khoang ống cổ tay, và khi những tổn thương này đã quá nặng nề, có lẽ là đã đến lúc bạn nói lời chia tay với bàn tay trái của mình.
Cầu chúa phù hộ trước khi mọi chuyện đã là quá muộn với bạn.
3. Nghiện games
Y văn cho đến giờ vẫn từ chối công nhận 2 từ này như một căn bệnh thực sự, mặc dù rất nhiều đề tài, rất nhiều công trình nghiên cứu đã được đưa ra. Nghiện games có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Hầu hết những con nghiện đều không chỉ ra được một game cụ thể nào đó, nhưng phần lớn trong số họ đều bị hấp dẫn bởi cái gọi là “Hành động và thưởng thức”. Hoàn thành mục tiêu, cảm giác chiến thắng và nhận được một phần thưởng nào đó, đó chính là cái thúc đẩy họ lao vào games không khác gì những con nghiện tìm đến thuốc.
Mọi chuyện tiếp tục trầm trọng hơn khi những trò chơi trực tuyến ra đời. Bạn bè ảo, yếu tố cạnh tranh, những cuộc trò chuyện online hàng giờ đồng hồ…, những thứ đó càng làm nhiều gamers trở nên quên ăn quên ngủ.
Quay trở lại năm 2005, chủ đề nghiện games lại một lần nữa nóng lên trên khắp các diễn đàn, khi gamers người Hàn Quốc Seungseob Lee đã ngã gục xuống bàn phím vì ngừng tim – sau 50h chơi liên tiếp. Sự kiện này nhanh chóng trở thành miếng bánh béo bở cho các phương tiện truyền thông. Tệ nạn xã hội, xa rời thực tế, nuốt trọn sinh khí con người – không thiếu mỹ từ mang đầy tính dè bỉu được dành cho games. Và sau Lee, liệu ai sẽ là nạn nhân kế tiếp?
Có thể là cực đoan thái quá khi đánh đồng Lee với những gamers khác, nhưng sau sự kiện này – những triệu chứng chính của nghiện games đã được đúc kết. Giảm cân đáng kể, giảm vệ sinh cá nhân, thiếu ăn thiếu ngủ, sống khép kín dần – đó rất có thể là những thứ bạn đã, đang và sẽ mắc phải. Hãy dừng chân trước khi quá muộn. Hãy nhớ rằng games chỉ là một phần của cuộc sống, đừng để nó ăn tươi nuốt sống bạn trước khi quá muộn.
2. Hội chứng đường hầm cổ tay
Như đã nói ở phần trên, hội chứng đường hầm cổ tay là một hội chứng trong đó các dây thần kinh bị chèn ép giữa khoang cổ tay của bạn, và nguyên nhân là do bạn nắm hoặc bóp chặt một vật gì đó trong khoảng thời gian dài mà cụ thể ở đây là con chuột, dẫn đến việc các dây thần kinh ngoại vi của bạn sẽ bị chèn ép trong một không gian hết sức chật chội. Về cơ bản, hội chứng này xảy ra khi cổ tay bạn chịu một áp lực thường xuyên, khi đó, xương và dây chẳng ở cổ tay bạn sẽ bị đè ép, và có thể sưng lên với kích thước ngang một quả bóng tennis.
Điều trị hội chứng này là tương đối dễ dàng. Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải trải qua phẫu thuật – và lúc này có lẽ bạn nên nói lời chia tay với chuột và bàn phím, hoặc bạn có thể sẽ phải nói lời chia tay với bàn tay của mình.
Nếu như bạn cảm nhận thấy cơn đau ở cổ tay hay cảm giác tê bì ở bàn tay – Đừng chần chừ mà hãy nhấn tổ hợp Alt + F4 càng nhanh càng tốt. Điều bạn cần quan tâm lúc này là đôi tay của mình chứ không phải là được hay thua trong thế giới ảo.
Những người chơi Skyrim chịu ảnh hưởng không ít từ hội chứng này. Đồ họa đẹp, gameplay đỉnh, thế giới rộng lớn – và kéo theo đó là hàng giờ đồng hồ, thậm chí cả ngày chỉ kéo lê chuột. Tình trạng này tiếp diễn ngày qua ngày có thể sẽ dẫn đến thứ bạn chẳng hề mong muốn: chia tay với những khoảnh khắc “diệt rồng”, và it nhất là trong vài tuần liền.
1. Hiệu ứng Guitar Hero
Khá kỳ quái, nhưng hiệu ứng này thường xảy ra khoảng 20′ sau khi bạn vào vai Slash và múa may quay cuồng trên sân khấu. Nó không được công nhận là một căn bệnh thực sự – hãy yên tâm rằng đôi mắt bạn sẽ không bắn ra khỏi hộp sọ, nhưng nó thực sự khá là quái đản.
Cũng tương tự như hiệu ứng Tetris, hiệu ứng Guitar Hero xảy ra khi bạn ngồi yên 1 chỗ và quan sát một vật thể di chuyển không ngừng – ví dụ như những nốt nhạc chuyển động không ngừng trên màn hình. Sau đó hãy nhìn vào tường – bạn sẽ thấy nó đang biến dạng.
Hiệu ứng Guitar Hero cũng được biết đến với cái tên khoa học Motion After Effect, lần đầu tiên được mô tả bởi nhà khoa học Jan Evangelista Purkyne vào năm 1820. Trong nghiên cứu của mình, ông đã tự trải nghiệm hiện tượng này sau khi xem một cuộc diễu hành đầy màu sắc trên đường phố. Điều này có vẻ khá ngớ ngẩn khi so sánh với những gì hiện ra trên màn hình trong một đoạn solo giai điệu Through the Fire and Flames. Hẳn bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác nhìn thấy bảy sắc cầu vồng đang quay cuồng trong đầu mình, sau khi bạn hoàn thành màn chơi này và cố gắng nhắm mắt lại.
Kết
Bạn có thể giật mình hoảng sợ, và bạn cũng có thể nhún vai và cho rằng đây chỉ là những thứ nhảm nhí vô căn cứ. Nhưng không thể phủ nhận rằng, nếu bạn vẫn giữ thói quen cắm mặt vào games 24/24, rồi cũng sẽ có lúc bạn phải vào viện, không vì lý do này thì cũng vì lý do khác. Hãy chơi games 1 cách điều độ, và nó sẽ là thứ công cụ bổ ích giúp bạn giải tỏa mọi sức ép trong cuộc sống.